29, Tháng 10, 2024 |
6, Tháng 1, 2024 |
Giây phút nong thành công van tim bào thai, rút kim luồn ra khỏi tử cung người mẹ, ê kíp can thiệp Bệnh viện Từ Dũ và Nhi đồng 1 thở phào, bởi trái tim "bé như quả dâu tây" vẫn hoạt động.
Ngày 5/1, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn gọi điện biểu dương y bác sĩ hai bệnh viện đã phối hợp tạo nên kỳ tích dịp đầu năm mới. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cũng tặng hoa, khen thưởng kíp can thiệp, đánh giá "đây là bước tiến mới về kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các nước phát triển trong khu vực".
Ca thông tim xuyên tử cung, cứu bào thai 32 tuần bị dị tật tim bẩm sinh nặng, hẹp van động mạch phổi, vừa diễn ra trong hơn 20 phút, sáng 4/1. Dưới hướng dẫn của siêu âm, các bác sĩ đi kim 18G vào được buồng thất phải của thai, lên động mạch phổi, đưa bóng vào để thông vị trí hẹp tắc.
"Trái tim em bé chỉ như quả dâu tây, phải đảm bảo chính xác tuyệt đối, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể khiến tim ngừng đập ngay lập tức", TS.BS Đỗ Nguyên Tín, Phó trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1, nói.
Sau can thiệp, siêu âm ghi nhận dòng chảy qua van động mạch phổi của thai nhi tốt, không tràn dịch màng ngoài tim. Thai phụ tiếp tục được hai bệnh viện phối hợp theo dõi thai kỳ.
Các y bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Nhi đồng 1 luồn kim xuyên tử cung người mẹ, vào sửa chữa dị tật tim bẩm sinh cho thai nhi, ngày 4/1. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Đây là giấc mơ ấp ủ suốt nhiều năm qua của tiến sĩ Đỗ Nguyên Tín và đồng nghiệp. Trên thế giới, chỉ một số nơi như Brazil, Ba Lan... thực hiện thành công kỹ thuật này. Các nước trong khu vực, đạt nhiều thành tựu y khoa, như Singapore, Thái Lan... đều chưa triển khai thông tim bào thai.
Thành công này "từng phải trả giá" bằng một ca can thiệp thất bại hơn 3 năm trước, khiến tim em bé ngừng đập ngay trong bụng mẹ, tại một bệnh viện đa khoa ở TP HCM. Khi ấy, sau quá trình đến một số nước tìm hiểu kỹ thuật, bác sĩ Tín phối hợp can thiệp tim bào thai cho người phụ nữ mang thai gần 30 tuần.
"Trường hợp này không can thiệp thì em bé khó qua khỏi vì tim đã đờ, chỉ còn trụ lại được khoảng vài ngày trong bụng mẹ", bác sĩ Tín nói. Gia đình thai phụ chấp nhận rủi ro, tìm cơ hội mong manh cứu trái tim con, nhưng may mắn không mỉm cười. Ê kíp thuận lợi nong van tim, tưởng chừng đã thành công, không ngờ gặp vấn đề khi rút bóng ra vì chưa có dụng cụ phù hợp, kim luồn quá to.
Thất bại khiến anh càng đau đáu đi tìm lời giải, nhiều lần tự xoay xở đi học hỏi thêm ở nước ngoài. Được đánh giá là "một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về can thiệp tim bẩm sinh", chuyển giao kỹ thuật cho học viên hàng chục nước, kể cả những nước phát triển, song với lĩnh vực can thiệp tim bào thai, bác sĩ Tín trở thành "lính mới".
Anh nhận ra rằng việc chọn dụng cụ đóng vai trò quan trọng. Một yếu tố quyết định đến thành công của kỹ thuật là phải có bác sĩ siêu âm tim mạch giỏi. Chỉ có siêu âm xác định chính xác dị tật, hướng dẫn tốt thì bác sĩ can thiệp mới có thể thuận lợi sửa chữa dị tật trái tim. Những năm qua, bác sĩ Đỗ Thị Cẩm Giang, chuyên về siêu âm tim của Nhi đồng 1 ra nước ngoài học để rèn giũa tay nghề về siêu âm.
Trong thời gian ấy, BS.CK2 Trịnh Nhựt Thư Hương, Trưởng khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ và ê kíp cũng đạt nhiều thành tựu trong chẩn đoán, can thiệp bào thai. Mới đây, bác sĩ Tín sang Bệnh viện Từ Dũ hỗ trợ tắc mạch máu nuôi khối bướu bánh nhau đầu tiên Việt Nam, giúp em bé sau đó khỏe mạnh chào đời. Chứng kiến "tay nghề can thiệp bào thai điêu luyện" của bác sĩ Hương, anh càng thêm tự tin với giấc mơ sửa chữa dị tật tim em bé trong bụng mẹ.
Trước đây, những ca mắc tim bẩm sinh tương tự đều phải chờ đến khi em bé ra đời, nuôi đến lúc nặng vài kg mới can thiệp được. Dần dà, các bác sĩ có thể can thiệp ngay khi em bé chào đời. Một số trường hợp nặng, trái tim nhỏ bé của nhiều trẻ không thể gắng gượng đến ngày chào đời, tử vong trong bụng mẹ. Trường hợp nhẹ, em bé chào đời, tim đã hỏng nặng, dù can thiệp nhiều lần cũng khó trở lại bình thường.
Ngày 3/1, Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận cuộc gọi hội chẩn từ bác sĩ Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, bởi tim thai nhi hơn 32 tuần của một thai phụ chuyển biến xấu. Người phụ nữ 28 tuổi, quê Đà Nẵng, vừa lập gia đình, mang thai con đầu lòng, lúc thai 22 tuần phát hiện tim em bé bất thường, được khuyên vào TP HCM theo dõi.
Thai nhi bị hẹp van động mạch phổi, có trên 50% khả năng tử vong trong bụng mẹ. Hoặc diễn tiến nặng hơn, tim chỉ còn một thất (thay vì hai tâm thất như bình thường), cần ghép tim sau sinh để giữ tính mạng. Nếu đưa em bé ra ngoài ở thời điểm này, nguy cơ tử vong sơ sinh cao do non tháng đi kèm tim bẩm sinh nặng.
Các chuyên gia quyết định nong van tim trong bào thai cấp cứu, nhằm cứu sống thai nhi còn trong bụng mẹ. Can thiệp bào thai mang lại kết quả cải thiện rất ngoạn mục, nhưng cũng đối diện nhiều nguy cơ trong và sau phẫu thuật như tràn máu màng ngoài tim, nhịp tim chậm dẫn đến ngưng tim, chuyển dạ sinh non, ối vỡ non...
"Thời điểm này, chúng tôi hội đủ những điều kiện thuận lợi về dụng cụ, nhân lực, để có thể thực hiện", bác sĩ Tín nói. Hai bệnh viện lên kế hoạch tỉ mỉ, sẵn sàng ê kíp hơn 15 người với 5 chuyên khoa, gồm sản, nhi sơ sinh, gây mê hồi sức, tim mạch, chẩn đoán hình ảnh. Việc gây mê bào thai để em bé nằm yên, giúp ê kíp can thiệp thao tác thuận lợi, cũng đòi hỏi nhiều vào tay nghề của bác sĩ.
Lãnh đạo hai bệnh viện trực tiếp theo dõi, chúc mừng thành công của ê kíp trong ca can thiệp đầu tiên. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, đánh giá thành công của kỹ thuật này đã mở ra hy vọng cho những trường hợp bất thường tim bẩm sinh phát hiện lúc mang thai. Việc can thiệp ngay trong bào thai giúp ngăn diễn tiến nặng của tim, thêm vào bào thai có tế bào gốc có thể tự sửa chữa, giúp em bé có cơ hội chào đời khỏe mạnh.
Nguồn theo vnexpress.
29, Tháng 10, 2024 |
26, Tháng 8, 2024 |
4, Tháng 10, 2024 |
15, Tháng 7, 2024 |
13, Tháng 11, 2023 |
21, Tháng 10, 2023 |