8, Tháng 5, 2024 |
26, Tháng 8, 2024 |
Trong một ngày đặc biệt tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, tinh thần nhân đạo và sự tận tâm của đội ngũ y bác sĩ đã giúp hồi sinh sáu người từ một ca phẫu thuật ghép tạng đầy thách thức. Ca mổ này không chỉ là biểu tượng của tình yêu thương, sự hy sinh cao cả của chàng trai 32 tuổi, chết não do tai nạn giao thông, đã tình nguyện hiến đa tạng ( hai quả thận, giác mạc, tim, gan) trước đó, mà còn đánh dấu cột mốc quan trọng trong y học Việt Nam.
Chiều 24/8, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, các bác sĩ tiến hành ca đại phẫu lấy đa tạng từ người cho chết não và ghép thận hai bệnh nhân. Người hiến tạng là nam thanh niên 32 tuổi bị tai nạn giao thông, chuyển đến viện khi nguy kịch, gần hai tiếng sau xác định chết não. Theo nguyện vọng, gia đình đã quyết định hiến tạng của anh để mang lại sự sống cho những người khác.
Bệnh nhân hiến hai quả thận, giác mạc, tim, gan, với sự phối hợp của hơn 60 y bác sĩ, là trường hợp lấy - ghép mô tạng đầu tiên do Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thực hiện, cùng sự phối hợp của các chuyên gia Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.
Trong ảnh, các y bác sĩ dành một phút mặc niệm trước ca phẫu thuật.
16h30, hệ thống máy móc được kết nối để theo dõi sát chỉ số sinh tồn của người bệnh. Thiết bị, dụng cụ mổ được chuẩn bị và kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo điều kiện tốt nhất, chuẩn bị cho ca ghép kéo dài nhiều giờ.
Một bác sĩ thay mặt ê kíp gửi lời tri ân cuối cùng: "Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước nghĩa cử cao đẹp của anh. Đây là nghĩa cử thể hiện tình thương yêu và sự hy sinh cao cả, mang hy vọng mới cho những bệnh nhân đang mong chờ cơ hội được ghép tạng. Những gì anh để lại cho cuộc đời sẽ là món quà vô giá".
Ê kíp ghép hai thận cho hai bệnh nhân là một người đàn ông suy thận từ năm 2012 và một phụ nữ 42 tuổi suy thận phải lọc máu chu kỳ từ năm 2020. Lá gan người hiến được ghép cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức. Giác mạc được ghép cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Đặc biệt, trái tim được đưa vào TP HCM để ghép cho một bệnh nhân nam 20 tuổi tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM.
Ngay sát nơi đang diễn ra ca đại phẫu, hai phòng mổ khác với hàng chục nhân viên y tế cũng sáng đèn, kíp y bác sĩ triển khai các phương tiện để xử lý và bảo quản tạng cùng công tác chuẩn bị.
Các chuyên gia nhìn nhận ghép tạng là kỹ thuật khó, đặt ra nhiều sức ép. Đầu tiên, cần lựa chọn bệnh nhân có các chỉ số sinh hóa thích hợp với tạng và gần người hiến nhất trong danh sách chờ. Khi đã có bệnh nhân, cần huy động lượng lớn nhân sự y tế tham gia chuẩn bị nhưng vẫn đảm bảo hoạt động của bệnh viện.
Khoảng 300 y bác sĩ tham gia từ khâu chuẩn bị đến tiến hành phẫu thuật ghép tạng cho một bệnh nhân khỏe mạnh. Với bệnh nhân nặng, cần khoảng 400 người. Thời gian chuẩn bị ghép phụ thuộc vào tình trạng bệnh, ví dụ người bệnh nhẹ cần 1-3 ngày, ca nặng cần vài tháng. Các khâu được tính toán kỹ lưỡng để phẫu thuật ghép ngay khi có tạng.
Thời gian phẫu thuật cũng ít chủ động vì phụ thuộc vào nguồn tạng hiến. Khi có người hiến chết não, bác sĩ phải phẫu thuật lấy tạng và xử trí, phẫu thuật ghép ngay.
Tối cùng ngày, quả tim của bệnh nhân được lấy ra khỏi lồng ngực. Đây cũng là cơ quan được lấy ra sau cùng.
Ghép tim là một kỹ thuật cực kỳ phức tạp với những yêu cầu khắt khe từ khâu chuẩn bị, đến lúc cấy ghép và theo dõi hậu phẫu. Bộ phận này cũng cần phải hoạt động cho đến thời điểm cuối cùng để duy trì tuần hoàn và cung cấp máu đến các cơ quan khác, đảm bảo chúng được bảo quản tốt nhất.
Vì vậy, ê kíp thận trọng tính toán mọi tình huống và đưa ra giải pháp chiến thuật hợp lý. Sau cùng, trái tim người bệnh được lấy ra an toàn.
Trái tim sau khi lấy được bảo quản trong túi đựng dung dịch, bọc tiếp trong nhiều lớp nước đá trước khi cho vào thùng bảo quản chuyên dụng. Các chuyên gia cùng kíp hỗ trợ "chạy đua" thời gian đưa trái tim người hiến tạng ra sân bay sớm nhất.
Ê kíp của Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM vận chuyển trái tim lên xe chuyên dụng, bắt đầu khởi hành.
Xe chuyên dụng của lực lượng cảnh sát giao thông, Phòng CSGT Hà Nội có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, nhận nhiệm vụ hỗ trợ. Khoảng 20h10 cùng ngày, tổ công tác bắt đầu hành trình dẫn đường, để chuyển trái tim của người hiến tặng từ Bệnh viện đi đến sân bay Nội Bài vào TP HCM, kịp ghép cho một bệnh nhân.
Chiếc xe bật còi hú dẫn đường khi ra khỏi cổng. Trời mưa lớn, một số điểm trên tuyến đường dẫn bị ngập úng, tổ CSGT nhanh chóng đổi lộ trình và yêu cầu các đội địa bàn tăng cường lực lượng phân luồng, hướng dẫn giao thông ở những nút giao để xe chở tạng và chuyên gia lưu thông bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Ảnh: Công an cung cấp
Chưa đầy 30 phút, tổ CSGT đã hoàn thành nhiệm vụ, cùng các chuyên gia y tế đưa trái tim được hiến tặng tới sân bay Nội Bài để chuyển vào TP HCM.
Đại úy Trần Khánh Tùng - Đội Tuần tra dẫn đoàn, chia sẻ đây là lần đầu tiên anh thực hiện nhiệm vụ đặc biệt như trên.
"Trong suốt quá trình dẫn đoàn, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trên tuyến, đảm bảo lần vận chuyển đặc biệt này tuyệt đối an toàn, nhanh chóng nhất để giúp các bác sĩ kịp thời ghép tạng cứu sống bệnh nhân", anh Tùng nói.
Tính đến đầu năm nay, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, các bệnh viện cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép. Hiện, gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan.
Lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn nhận định nếu ca ghép thận thành công, bệnh viện sẽ có thể có thêm danh mục kỹ thuật ghép tạng cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Bệnh viện Việt Đức hỗ trợ chăm sóc sau ghép cũng như điều trị về sau.
Nguồn: vnexpress
8, Tháng 5, 2024 |
3, Tháng 1, 2024 |
10, Tháng 6, 2024 |
2, Tháng 5, 2024 |
29, Tháng 6, 2023 |
18, Tháng 5, 2024 |