12, Tháng 7, 2024 |
8, Tháng 8, 2023 |
Đẩy mạnh hợp tác và phát triển trên nhiều lĩnh vực trong công tác chăm sóc sức khoẻ người dân theo 2 cấp độ, theo đó, tăng cường hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến cuối theo đúng nhu cầu của bệnh viện địa phương (cấp độ 1), đồng thời thống nhất đề xuất với lãnh đạo các tỉnh, thành và Bộ Y tế cho phép phát triển mạng lưới chuyên khoa theo quy mô vùng (cấp độ 2) nhằm hướng đến mục tiêu giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối tại TPHCM và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ người dân vùng đồng bằng sông Cửu long. Đó là nội dung chính của hội thảo trực tuyến giữa các Giám đốc Sở Y tế của TPHCM và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu long diễn ra trong 2 ngày 13 và 14/7/2023.
Hội thảo trực tuyến giữa Sở Y tế TP.HCM và 13 Sở Y tế vùng đồng bằng sông Cửu long (ngày 13 và 14/7/2023)
Trên cơ sở đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật can thiệp tim mạch cho người dân địa phương không phải chuyển về TPHCM như trước đây, một trung tâm chuyên sâu Tim mạch với tất các kỹ thuật chuyên khoa từ phẫu thuật tim hở cho đến thông tim can thiệp, điện sinh lý,… sẽ sớm được thành lập tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng với sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật toàn diện của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM hay Khoa Nhi của Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau vừa cứu sống một bệnh nhi mắc bệnh Tay chân miệng trong tình trạng nguy kịch nhờ áp dụng kỹ thuật lọc máu liên tục thành công (với hướng dẫn, tư vấn từ xa của các chuyên gia Hồi sức Nhi của Bệnh viện Nhi đồng 1) sẽ tiếp tục nhận chuyển giao các kỹ thuật hồi sức Nhi chuyên sâu từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM sau khi đã phát triển vững chắc rất nhiều kỹ thuật Nhi khoa và đã hạn chế được thấp nhất chuyển viện trẻ em mắc bệnh nặng về TPHCM,… Đó là hai trong số rất nhiều kết quả phấn khởi về chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TPHCM cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu long trong những năm qua.
Bên cạnh đó, Giám đốc các Sở Y tế cho biết vẫn còn gặp một khó khăn trong công tác hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, đó là nhân viên y tế sau thời gian được đào tạo và chuyển giao kỹ thuật đã nghỉ việc và chuyển sang làm việc tại các bệnh viện tư vì mức thu nhập tại các bệnh viện công lập còn thấp, hiện tượng này không còn là hiếm gặp. Ngoài ra, đại diện lãnh đạo các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TPHCM cho biết vẫn còn những tình huống các địa phương yêu cầu các bệnh viện tuyến cuối hỗ trợ đào tạo chuyển giao kỹ thuật nhưng chưa sẵn sàng các trang thiết bị y tế và cơ sở hạ tầng để nhân viên y tế đã được đào tạo quay trở về địa phương để thực hiện.
Tại hội thảo, Sở Y tế TPHCM và các bệnh viện tuyến cuối đã ghi nhận tất cả những kiến nghị và đề xuất cụ thể của 13 Sở Y tế các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu long về hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, công tác đào tạo nhân lực, về hợp tác nghiên cứu khoa học cho đến chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phát triển y tế cơ sở, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế tư nhân,… Sau khi thảo luận, hội thảo đi đến thống nhất về chủ trương giữa bên chuyển giao và bên tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, trên cơ sở đó mỗi bên sẽ thảo luận kỹ hơn để sớm ký kết hợp đồng trách nhiệm về chuyển giao kỹ thuật. Giám đốc các Sở Y tế thống nhất kế hoạch tổ chức ký kết hợp tác trong sự kiện bên lề hội nghị liên kết vùng giữa UBND TPHCM và các UBND các tỉnh đồng bằng sống Cửu long dự kiến diễn ra vào ngày 21/7/2023.
Ngoài ra, như mục tiêu đề ra, Sở Y tế TPHCM yêu cầu các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối khẩn trương phác thảo kế hoạch phát triển mạng lưới chuyên khoa theo quy mô vùng đồng bằng sông Cửu long. Theo đó, ngoài các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối tại TPHCM, cần xác định thêm các bệnh viện tỉnh, thành nào thuộc vùng đồng bằng sông Cửu long tham gia triển khai các kỹ thuật chuyên sâu theo từng chuyên khoa (như Sản, Nhi, Ung thư, Thần kinh – Đột quỵ, can thiệp Tim mạch, Ngoại Thần kinh - Chấn thương chỉnh hình, Ngoại Niệu,…) đảm bảo tránh trùng lắp giữa các địa phương có vị trí địa lý gần nhau gây lãng phí, vừa đảm bảo sự tiếp cận của người dân được thuận lợi hơn, kịp thời hơn góp phần cải thiện tỷ lệ tử vong, nâng cao chất lượng cuộc sống đối với các bệnh lý nguy hiểm (như ung thư, đột quỵ, thiếu máu cơ tim, cấp cứu Sản khoa, cấp cứu Nhi khoa, chấn thương do tai nạn giao thông,…).
Trên cơ sở đó, các bệnh viện tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu long sẽ thảo luận và thống nhất tham gia vào các mạng lưới chuyên khoa quy mô vùng, chủ động phối hợp với các bệnh viện tuyến cuối triển khai đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, và tham mưu UBND tỉnh, thành hỗ trợ nguồn lực (trang thiết bị chuyên khoa, cơ sở hạ tầng), đồng thời kiến nghị Bộ Y tế xem xét, thẩm định và chấp thuận cho triển khai thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu.
Giám đốc Sở Y tế 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu long và TPHCM cũng thống nhất định kỳ mỗi 6 tháng sẽ gặp lại để cùng sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm để sớm đưa kế hoạch hợp tác trở thành những hoạt động thiết thực hướng đến mục tiêu giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối tại TPHCM và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ người dân vùng đồng bằng sông Cửu long.
SỞ Y TẾ TP. HCM
12, Tháng 7, 2024 |
17, Tháng 6, 2024 |
3, Tháng 5, 2024 |
7, Tháng 4, 2023 |
14, Tháng 8, 2024 |
17, Tháng 4, 2024 |