Hoại tử và trợt da toàn thân do dị ứng thuốc

4, Tháng 5, 2023 |

ADMINISTRATOR

Views Count 1,500
Comments Count

Hai bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng hoại tử rất nặng, các dát thâm và vết trợt da chi chít toàn thân.

 

Hoại tử và trợt da toàn thân do dị ứng thuốc

Vùng da của bệnh nhân xuất hiện nhiều vết loét, dát đỏ do nhiễm trùng, nhiễm độc.

 

Hội chứng Stevens-Johnson (SJS) và hoại tử thượng bì nhiễm độc (TEN) là những phản ứng nặng, thường biểu hiện ở da, niêm mạc, tuy ít gặp nhưng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh.

 

Tỷ lệ mắc các hội chứng này rất thấp, chỉ 2 trên một triệu người. Nhưng một khi đã mắc, bệnh nhân có tỷ lệ tử vong rất cao, lên tới 30%. Theo các nghiên cứu trên thế giới, các loại thuốc gây ra hội chứng SJS/TEN thường gặp nhất nhất là carbamazepin và các dẫn xuất (chống co giật), allopurinol (hạ acid uric máu), kháng sinh nhóm sulfamid, các thuốc kháng virus như abacavir.

 

Tuy nhiên, tại Việt Nam, thuốc đông y và thuốc nam cũng là những căn nguyên hàng đầu gây ra 2 hội chứng hoại tử ám ảnh này.

 

Trợt da toàn thân

 

Người phụ nữ 40 tuổi, bị ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật cách đây một năm, chưa từng bị dị ứng thức ăn hay thuốc, được chuyển đến khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) với các dát thâm hoại tử trên da.

 

Bệnh nhân cho biết tình trạng này xuất hiện từ khoảng 9 ngày trước. Lúc đầu, các dát đỏ ngứa nhiều ở lòng bàn tay hai bên. Sau 3 ngày, thương tổn tiến triển thành mụn nước, bọng nước nông, dễ vỡ, khi vỡ để lại các vết trợt. Theo thời gian, các thương tổn có tính chất tương tự xuất hiện thêm ở lòng bàn chân hai bên, thân mình, tay, chân, hoại tử da lan rộng. Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh có tăng nhẹ men gan, rối loạn chức năng gan.

 

Theo khai thác bệnh sử, một tháng trước khi vào viện, bệnh nhân có uống thuốc đông y để nâng cao sức khỏe. Sau khi uống thuốc được 3 tuần, tình trạng trên bắt đầu xuất hiện.

 

Hoại tử và trợt da toàn thân do dị ứng thuốc

Các vùng da của bệnh nhân mắc hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc.

 

Người bệnh được chẩn đoán hoại tử thượng bì nhiễm độc và cho dùng các thuốc đặc hiệu (cyclosporin A) kèm chăm sóc hỗ trợ. Sau 10 ngày điều trị, thương tổn da khô, bắt đầu tái tạo thượng bì, không có bọng nước mới.

 

Một trường hợp khác cũng được chẩn đoán hoại tử thượng bì là phụ nữ 55 tuổi. Theo thông tin từ bệnh nhân, tình trạng này xuất hiện sau khi bà uống thuốc nam điều trị đau khớp và viêm dạ dày suốt 2 tháng. 7 ngày trước khi vào viện, người bệnh phát hiện dát đỏ thẫm, sưng nề vùng môi. Các dát đỏ lan nhanh ra tay, chân, thân mình, hình thành thêm mụn nước, bọng nước kèm triệu chứng sốt cao. Các xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy bà bị hạ bạch cầu và tăng men gan. Bệnh nhân được chẩn đoán hoại tử thượng bì nhiễm độc và được cho dùng các thuốc đặc hiệu (corticoid toàn thân) kèm chăm sóc hỗ trợ. May mắn, sau 7 ngày điều trị, thương tổn da khô, bắt đầu tái tạo thượng bì, không có bọng nước mới.

 

Nguyên nhân

 

Theo TS.BS Trần Thị Huyền, khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương, giảng viên bộ môn Da liễu, Đại học Y Hà Nội, hoại tử thượng bì nhiễm độc là phản ứng dị ứng thuốc type 4, xảy ra sau khi dùng thuốc 1-4 tuần, thậm chí là 6-8 tuần.

 

Tiến sĩ Huyền nhận định cho đến nay, việc xác định thuốc gây dị ứng vẫn là một bài toán khó. Ở Việt Nam, các bệnh nhân thường dùng thuốc không kê đơn, dùng nhiều loại thuốc và dùng các thuốc đông y, dân gian không rõ thành phần làm cho việc xác định thuốc gây dị ứng gặp khó khăn.

 

Mặt khác, thời gian từ khi dùng thuốc tới khi khởi phát có thể kéo dài từ vài ngày tới 2 tháng. Nhiều bệnh nhân không nhớ rõ các thuốc họ đã dùng. Một số nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy thuốc đông y chiếm tỷ lệ cao trong các căn nguyên gây SJS/TEN. Thời gian từ khi dùng thuốc tới khi khởi phát hội chứng này sau khi dùng thuốc đông y khá dài, trung bình 23 ngày. Các bệnh nhân bị hoại tử thượng bì nhiễm độc do thuốc đông y thường có thương tổn da lan tỏa, tiến triển chậm, từ từ, ít khi có thương tổn các niêm mạc.

 

Tiến sĩ Huyền nhận định nhiều bệnh nhân sử dụng các loại thuốc đông y, thuốc nam để trị bệnh đau khớp, đau do thần kinh hoặc nâng cao thể trạng. Chuyên gia này khuyến cáo tất cả thuốc đều có thể gây dị ứng, kể cả thực phẩm chức năng hay các thuốc không cần kê đơn. Do đó, người dân không nên tự ý mua các thuốc về dùng, không nên sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần để đề phòng dị ứng thuốc thể nặng.

 

Theo báo zingnews.

Bình luận

TIN LIÊN QUAN

4 Giai Đoạn Phát Triển Bệnh Tay, Chân, Miệng: Đặc biệt cần lưu ý !

18, Tháng 10, 2024 |

Admin

4 Giai Đoạn Phát Triển Bệnh Tay, Chân, Miệng: Đặc biệt cần lưu ý !

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh phát triển qua 4 giai đoạn từ khi nhiễm virus cho đến khi hồi phục hoàn toàn. Nhận biết sớm các dấu hiệu của từng giai đoạn giúp phụ huynh có thể chăm sóc và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về 4 giai đoạn của bệnh tay chân miệng trong bài viết sau.
Views Count 383
Comments Count
Đọc thêm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Anh thúc giục thai phụ tiêm vaccine ho gà

15, Tháng 7, 2024 |

Admin

Anh thúc giục thai phụ tiêm vaccine ho gà

Tổng tích lũy năm nay, Anh ghi nhận gần 7.600 ca, gấp khoảng 8 lần so với tổng số ca bệnh của năm 2023 (gần 860 ca). Trong đó, 262 ca bệnh là trẻ sơ sinh dưới ba tháng tuổi. Ngoài ra, số thai phụ tiêm vaccine giảm dần, với tỷ lệ vào tháng 3 là dưới 60%.
Views Count 156
Comments Count
Đọc thêm

Đối tác y khoa Diamond