Ý nghĩa các chỉ số trong công thức máu

20, Tháng 3, 2023 |

ADMINISTRATOR

Views Count 1,573
Comments Count

Xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm thường quy được bác sĩ chỉ định khi khám chữa bệnh, giúp cung cấp các chỉ số quan trọng nhằm chẩn đoán bệnh, theo dõi tiến triển của bệnh và đánh giá quá trình điều trị.

 

Phương pháp xét nghiệm máu

 

Xét nghiệm máu là xét nghiệm khá đơn giản và thường gồm các loại xét nghiệm sau:

 

- Xét nghiệm công thức máu toàn phần: Xác định các chỉ số về hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu từ đó giúp chẩn đoán sớm các bệnh lý của hệ tạo máu như bệnh thiếu máu, suy tủy, ung thư máu hay cảnh báo sớm các bệnh lý viêm nhiễm khác.

 

- Xét nghiệm đường huyết: Giúp xác định nồng độ đường trong máu để chẩn đoán và theo dõi điều trị trong bệnh tiểu đường.

 

- Xét nghiệm mỡ máu: Giúp xác định hàm lượng cholesterol và triglyceride trong máu.

 

- Xét nghiệm men gan: Bao gồm men ALT và men AST được giải phóng khi có tổn thương tế bào gan. ALT có chủ yếu trong gan, còn AST không chỉ trong gan mà còn có ở cơ tim, cơ vân, tụy, thận, não,… Vì vậy, nồng độ ALT đặc hiệu cho các tổn thương ở gan hơn so với AST. Giá trị bình thường của AST là 9 - 48 và ALT là 5 - 49.

 

Ý nghĩa các chỉ số trong xét nghiệm công thức máu

 

WBC (White Blood Cell) - Số lượng bạch cầu trong một thể tích máu

 

Ý nghĩa các chỉ số trong công thức máu

 

- Giá trị bình thường khoảng từ 4.300 - 10.800 tế bào/mm3

 

- Tăng trong trường hợp nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, bệnh bạch cầu lympho cấp, bệnh bạch cầu dòng tủy cấp, u bạch cầu, sử dụng một số thuốc như corticosteroid.

 

- Giảm trong thiếu máu bất sản, nhiễm siêu vi (HIV, virus viêm gan), thiếu vitamin B12 hoặc folate, dùng một số thuốc như phenothiazine, chloramphenicol,...

 

LYM (Lymphocyte – Bạch cầu Lympho)

 

- Lymphocyte là các tế bào có khả năng miễn dịch, gồm lympho T và lympho B.

 

- Lymphocyte tăng trong trường hợp nhiễm khuẩn, bệnh bạch cầu dòng lympho, suy tuyến thượng thận,... Giảm trong nhiễm HIV/AIDS, lao, ung thư, thương hàn nặng, sốt rét,...

 

- Thường từ 20 - 25%.

 

NEUT (Neutrophil) - Bạch cầu trung tính

 

- Thường trong khoảng từ 60 - 66%.

- Bạch cầu trung tính có chức năng quan trọng là thực bào. Chúng sẽ tấn công và “ăn” các vi khuẩn ngay khi các sinh vật này xâm nhập cơ thể do đó thường tăng trong nhiễm trùng cấp.

- Tăng trong nhiễm khuẩn cấp, nhồi máu cơ tim cấp,... Giảm trong nhiễm thiếu máu bất sản, dùng các thuốc ức chế miễn dịch, nhiễm độc kim loại nặng,...

 

Ý nghĩa các chỉ số trong công thức máu

 

RBC (Red Blood Cell) – Số lượng hồng cầu trong một thể tích máu

 

- Giá trị thông thường khoảng từ 4.2 - 5.9 triệu tế bào/cm3.

- Tăng trong bệnh tim mạch, bệnh đa hồng cầu, tình trạng mất nước.

- Giảm trong thiếu máu, sốt rét, suy tủy, lupus ban đỏ,...

 

HBG (Hemoglobin) – Lượng huyết sắc tố trong một thể tích máu

 

- Hemoglobin hay còn gọi là huyết sắc tố là một phân tử protein phức tạp có khả năng vận chuyển oxy và tạo màu đỏ cho hồng cầu.

- Giá trị thông thường ở nam là 13 - 18 g/dl; ở nữ là 12 - 16 g/dl.

- Tăng trong mất nước, bệnh tim mạch, bỏng.

- Giảm trong thiếu máu, xuất huyết, tán huyết.

 

HCT (Hematocrit) – Tỷ lệ thể tích hồng cầu trên thể tích máu toàn phần

 

Ý nghĩa các chỉ số trong công thức máu

 

- Giá trị thông thường là 45 - 52% đối với nam và 37 - 48% đối với nữ.

- Tăng trong bệnh phổi, bệnh tim mạch, mất nước, chứng tăng hồng cầu

- Giảm trong mất máu, thiếu máu, xuất huyết.

 

MCV (Mean corpuscular volume) – Thể tích trung bình của một hồng cầu

 

- Tính bằng công thức: HCT chia số lượng hồng cầu và thường trong khoảng từ 80 đến 100 femtoliter (fl).

- Tăng trong thiếu máu hồng cầu to do thiếu hụt vitamin B12, thiếu acid folic, bệnh gan, chứng tăng hồng cầu.

- Giảm trong thiếu máu thiếu sắt, thalassemia, thiếu máu do các bệnh mạn tính.

 

MCH (Mean Corpuscular Hemoglobin) – Lượng huyết sắc tố trung bình trong một hồng cầu

 

- Giá trị này được tính bằng cách lấy HBG chia cho số lượng hồng cầu, thường nằm trong khoảng từ 27 - 32 picogram (pg).

- Tăng trong thiếu máu hồng cầu to, trẻ sơ sinh.

- Giảm trong thiếu máu thiếu sắt.

 

PLT (Platelet Count) – Số lượng tiểu cầu trong một thể tích máu

 

- Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Nếu số lượng tiểu cầu quá thấp sẽ gây mất máu, còn số lượng tiểu cầu quá cao sẽ hình thành cục máu đông, gây tắc mạch và có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

- Giá trị thường trong khoảng từ 150.000 - 400.000/cm3.

- Tăng trong chấn thương, sau phẫu thuật cắt lá lách, viêm nhiễm, rối loạn tăng sinh tuỷ xương.

- Giảm trong suy tủy hoặc ức chế tủy xương, cường lách, ung thư di căn, hóa trị liệu, bệnh lý tán huyết ở trẻ sơ sinh,...

 

Những điều cần lưu ý trước khi xét nghiệm máu

 

- Không uống thuốc trước khi đi làm xét nghiệm máu: nếu bạn lỡ uống thuốc trước khi làm xét nghiệm hãy thông báo với bác sĩ để bác sĩ đưa ra hướng xử trí phù hợp vì không phải loại thuốc nào cũng ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

- Một số xét nghiệm yêu cầu phải nhịn ăn trong vòng 8 – 12 giờ để kết quả được chính xác như: xét nghiệm mỡ máu, xét nghiệm đường huyết, xét nghiệm các bệnh lý về gan mật,... 

Các xét nghiệm như HIV, cường giáp,... người bệnh có thể không cần nhịn đói trước khi làm xét nghiệm.

Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích như: rượu bia, cà phê, thuốc lá,... trước khi tiến hành làm xét nghiệm.

 

Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng gọi đến tổng đài (𝟬𝟮𝟴) 𝟯𝟵 𝟯𝟬 𝟳𝟱 𝟳𝟱 hoặc đặt lịch trực tiếp website trên toàn Hệ Thống Y Khoa Diamond để được hỗ trợ.

Bình luận

TIN LIÊN QUAN

Dấu ấn ung thư tụy CA 19.9

18, Tháng 3, 2023 |

Admin

Dấu ấn ung thư tụy CA 19.9

Có thể phát hiện dấu ấn chỉ điểm ung thư trong máu, nước tiểu, phân, tổ chức u hay các tổ chức khác hoặc trong dịch cơ thể...
Views Count 926
Comments Count
Đọc thêm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lịch khám thai định kỳ

13, Tháng 4, 2023 |

Admin

Lịch khám thai định kỳ

Các mốc khám thai định kỳ sẽ thay đổi theo tùy trường hợp cụ thể khi có các dấu hiệu bất thường như: đau bụng, ra huyết, ra nước...
Views Count 1,177
Comments Count
Đọc thêm

Đối tác y khoa Diamond