Đau bụng trong những ngày "đèn đỏ" không hiếm gặp, đặc biệt ở những phụ nữ trẻ. Cơn đau có thể rõ rệt hơn ở những ngày đầu và thường thuyên giảm trong những ngày sau đó. Tuy nhiên, nếu gặp những dấu hiệu dưới đây thì đó có thể cảnh báo bất thường.
Đau kéo dài: Cơn đau kéo dài từ 2-3 ngày đầu hành kinh được coi là bình thường. Nếu bị đau kèm chuột rút kéo dài suốt những ngày này thì đó là biểu hiện không bình thường.
Đau bụng dữ dội: Cơn đau có thể tăng mức độ ngay trước khi bắt đầu hành kinh hoặc trong hai ngày đầu. Ở một số phụ nữ, đau có thể khiến họ phải nằm nghỉ ngơi và dùng đến thuốc giảm đau. Tuy nhiên triệu chứng sau đó sẽ thuyên giảm và trở lại bình thường.
Một số bệnh lý có thể gây ra chứng đau bụng kinh dữ dội kèm chuột rút trong kỳ kinh nguyệt như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung hoặc bệnh viêm vùng chậu (PID)... Các bệnh lý này nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản hoặc gây vô sinh ở nữ.
Đau bất thường ở vùng chậu: Đau một vài ngày trước hoặc trong những ngày đầu của kỳ kinh hay giai đoạn rụng trứng có thể là bình thường. Tuy nhiên, cơn đau ở những thời điểm khác trong chu kỳ có thể báo hiệu vấn đề về sức khỏe sinh sản nữ giới.
Đau bụng kinh dữ dội, kéo dài trong kỳ kinh có thể là dấu hiệu cảnh báo sự bất thường về sức khỏe sinh sản.
Đau vùng chậu có thể liên quan đến cơ quan sinh dục nữ như buồng trứng, tử cung, ống dẫn trứng... Hãy đi khám và điều trị sớm nếu có các dấu hiệu nghiêm trọng khác kèm theo như sốt, nôn mửa, chóng mặt, chảy máu âm đạo bất thường hoặc đau quá mức.
Ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày: Ở một số phụ nữ, tình trạng đau bụng kinh khiến phải nghỉ làm, nghỉ học hay tạm dừng các hoạt động thường ngày khác. Thống kê cho thấy, khoảng 5-20% nữ giới bị đau bụng kinh làm ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày. Nếu cơn đau nghiêm trọng quá mức, hãy đi khám phụ khoa để tìm ra nguyên nhân và điều trị.
Thuốc giảm đau vô tác dụng
Một số thuốc như Ibuprofen hoặc Acetaminophen có thể xoa dịu cơn đau bụng trong những ngày đầu có kinh. Tuy nhiên, nếu cảm thấy không thuyên giảm thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo kỳ kinh nguyệt có vấn đề. Nữ giới tuyệt đối không tự ý tăng liều hoặc dùng loại thuốc có tác dụng mạnh mà không tham khảo ý kiến bác sĩ. Đôi khi các thuốc này có thể mang đến tác dụng phụ không muốn, thậm chí nguy hiểm.
Theo báo vnexpress.