1, Tháng 8, 2024 |
8, Tháng 5, 2024 |
Thấy con nhỏ gần 3 tuổi có biểu hiện sốt, không chịu ăn uống, xuất hiện mụn nước khắp người ở tay, chân, miệng, chị N.Q. (33 tuổi, Đồng Nai) lo lắng đưa con nhỏ đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) khám. Kết quả bé mắc tay chân miệng độ nặng, buộc phải nhập viện điều trị nội trú.
Chị Q. cho biết rất ngỡ ngàng khi con mình mắc bệnh nặng và không biết nguồn lây bệnh từ đâu. Sau khi gửi con được 3 tuần ở nhà trẻ thì bé bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu trên nên chị đưa con đến bệnh viện gấp. "Ngay khi bé được chẩn đoán bệnh tay chân miệng, tôi đã báo ngay cho các cô giáo tại lớp để có biện pháp xử lý tránh lây nhiễm cho bé khác", chị Q. nói.
Theo số liệu thống kê từ Bệnh viện Nhi đồng 2, số lượng trẻ ngoại trú và nội trú mắc bệnh tay chân miệng đến thăm khám, điều trị trong tháng 4 đã bắt đầu tăng so với tháng 3. Cụ thể số ca điều trị ngoại trú tăng từ 282 ca (tháng 3) lên 902 ca (tháng 4), số ca nhập viện điều trị nội trú tăng từ 15 ca (tháng 3) lên 82 ca (tháng 4).
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Dư Tuấn Quy - trưởng khoa nhiễm thần kinh của bệnh viện - cho biết số ca mắc bệnh tay chân miệng hiện nay đang điều trị tại bệnh viện ở mức ổn định.
Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc bệnh viện - cho hay hiện khoa đang điều trị 10 trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở mức độ 2A, chủ yếu ở các tỉnh miền Tây chuyển đến.
Tại TP.HCM, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC), trong tuần cuối của tháng 4 ghi nhận 309 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 20% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 4 là 2.974 ca.
Chú ý dấu hiệu chuyển nặng
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu - khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết bệnh tay chân miệng đang bước vào mùa dịch trong năm. So với năm ngoái, bệnh tay chân miệng năm nay đến sớm hơn nhưng đúng theo chu kỳ dịch bệnh hằng năm. Bệnh tay chân miệng có hai mùa dịch trong năm, bắt đầu từ tháng 4-5 và tháng 9-10. Năm nay, số ca mắc bệnh ghi nhận tăng từ đầu tháng 4. Đây được xem là chu kỳ dịch bệnh bình thường. So với năm 2023, dịch tay chân miệng đến tháng 5 mới xuất hiện nhưng kéo dài đến cuối năm.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết bệnh tay chân miệng "rất ưa" và dễ tăng hơn vào mùa nóng ẩm như hiện nay. Điều này có thể báo hiệu bệnh tay chân miệng sắp bước vào mùa, phụ huynh tuyệt đối không chủ quan, cần chủ động phòng bệnh cho trẻ.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu lưu ý bệnh tay chân miệng thường diễn tiến trong 7 ngày. Trong đó, giai đoạn dễ trở nặng nhất là khoảng ngày thứ 2-5. Lúc này, phụ huynh cần theo dõi con kỹ càng và đưa bé nhập viện nếu có các dấu hiệu như: sốt cao không hạ, ngủ giật mình chới với hoảng hốt với tần suất tăng lên nhiều hơn 2 lần/30 phút hoặc 3 lần/giờ, ói nhiều, lừ đừ, run tay chân, đi đứng loạng choạng, co giật hoặc có các dấu hiệu thần kinh như cổ gà, lơ mơ, tím tái...
Trong trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện trễ, chuyển nặng, bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết trẻ có thể đối mặt nhiều biến chứng nguy hiểm (viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp...), dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Theo Báo Tuổi Trẻ
1, Tháng 8, 2024 |
10, Tháng 6, 2024 |
6, Tháng 8, 2024 |
26, Tháng 4, 2023 |
27, Tháng 2, 2024 |
30, Tháng 3, 2023 |